Binh lực và kế hoạch Trận_phòng_thủ_Pskov_(1941)

Quân đội Liên Xô

Tập đoàn quân 11 do tướng Pyotr Petrovich Sobennikov chỉ huy (thay tướng V. I. Morozov) chịu trách nhiệm phòng thủ trên khu vực từ Pskov đến Opochka, lấy sông Velikaya làm chướng ngại tự nhiên để ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Đức Quốc xã. Quân đoàn bộ binh 41 của tướng I. S. Kosobutsky gồm các sư đoàn bộ binh 111, 118 và 235 chịu trách nhiệm phòng thủ khu vực từ bờ nam hồ Pskov qua Izborsk, Vasilyevo đến Ostrov. Quân đoàn cơ giới 1 của thiếu tướng M. L. Chernyavsky gồm Sư đoàn xe tăng 3 và các sư đoàn bộ binh 398 và 468 chịu trách nhiệm phòng thủ từ Ostrov đến Gavry. Trong đó, Sư đoàn xe tăng 3 và Sư đoàn bộ binh 468 chịu trách nhiệm giữ Pskov. Quân đoàn bộ binh 22 của tướng A. S. Ksenofontov chỉ huy gồm các Sư đoàn bộ binh 180, 182 và 806 là lực lượng tuyến hai chặn hướng lên Novgorod và Luga.[7]

Ý đồ của Bộ Tư lệnh Phương diện quân Tây Bắc là thiết lập hai tuyến phòng thủ song song trên các tuyến sông Velikaya và Cherekha, vừa giữ hướng Luga - Novgorod vừa giữ hướng Kholm - Velikye Luky. Tuy nhiên, tuyến phòng thủ này vừa chồng chéo, vừa hở sườn. Các đơn vị của Tập đoàn quân 11 dồn về giữ Pskov và Ostrov. Các sư đoàn của Tập đoàn quân 27 (bao gồm cả Quân đoàn cơ giới 21 mới được điều từ Moskva đến đã bị sứt mẻ trong trận phản công Daugavpils phải lùi về giữ tuyến Ludza - Zilupe - Sebezh. Do không đủ quân số và phương tiện cũng như việc điều quân theo lối mạnh ai nấy rút nên phòng tuyến của quân đội Liên Xô bị đứt quãng ở nhiều nơi, trong đó có một đoạn mặt trận dài dọc theo sông Lzha từ Gavry qua Karsava đến Ludza không có sư đoàn nào trấn giữ. Ngay cả tuyến phòng thủ cánh trái của Tập đoàn quân 22 cũng bị xếp đặt chồng lên cánh phải của Tập đoàn quân 27, gây ra những rối loạn trong chỉ huy và chuyển quân.[8]

Quân đội Đức Quốc xã

Ngày 26 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 41 (Đức) chiếm Daugavpils và tiến lên hướng Ostrov. Trong các ngày 27 đến 29 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) đánh bật cuộc phản công của Quân đoàn cơ giới 21 (Liên Xô), buộc quân đoàn này phải dừng lại khi còn cách Daugavpils 15 km và phải bỏ dở cuộc phản công trong khi Quân đoàn xe tăng 41 (Đức) đã uy hiếp sườn phía Bắc. Sau khi chặn được Quân đoàn cơ giới 41 (Liên Xô), tướng Erich von Manstein phân bố lại lực lượng. Sư đoàn xe tăng 3 được điều đến bàn đạp Rezekne thay thế cho Sư đoàn xe tăng 8 chuyển quân lên phía Bắc, đến Karsava, chỗ yếu nhất trên tuyến phòng thủ của quân đội Liên Xô nằm giữa Tập đoàn quân 11 và Tập đoàn quân 27.

Ý đồ của tướng Erich Hoepner là dùng Sư đoàn cơ giới 36 từ thê đội 2 lên thay thế cho Sư đoàn bộ binh 269 được rút về thê đội 2 đánh vỗ mặt lên Pskov dọc theo sông Velikaya, thu hút chủ lực Tập đoàn quân 11 (Liên Xô) về hướng này. Trong khi đó, chủ lực Quân đoàn xe tăng 41 gồm các sư đoàn xe tăng 1 và 6 mở cuộc đột kích vào Ostrov, nơi có Sư đoàn xe tăng 3 và Sư đoàn bộ binh 468 (Liên Xô) đóng giữ. Sư đoàn xe tăng 8 của Quân đoàn xe tăng 56 phải đột kích qua Krasnogorodsky lên Pushkinskie Gory, giam chân Quân đoàn cơ giới 21 (Liên Xô) tại tuyến sông Velikaya từ Opochka đến Pushkinskie Gory, không cho nó lên ứng cứu cho Quân đoàn cơ giới 1 ở Ostrov, nơi quyết định kết quả các trận đánh trên tuyến Pskov - Opochka.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_phòng_thủ_Pskov_(1941) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av5/01.html http://militera.lib.ru/h/kovalchuk_vm/01.html http://militera.lib.ru/h/nwf/03.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/04.html http://militera.lib.ru/h/ww2_german/09.html http://militera.lib.ru/memo/german/killian_h01/tex... http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/08.htm...